BẢN TIN PHÁP LUẬT 1/3/2017

Đầu tư:

NGUYÊN TẮC LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CẤP XÃ
Ngày 14/02/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BKHĐT hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo quy định tại Thông tư này, việc lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải có sự tham gia của các tổ chức và cộng đồng dân cư trên địa bàn thôn, xã; phải được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực của các cấp, khả năng đóng góp nguồn lực của cộng đồng.

Việc lập kế hoạch đầu tư cấp xã phải căn cứ vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, các quy hoạch có liên quan và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn trước; mục tiêu, đối tượng, tiêu chí của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, ưu tiên các dự án gắn với phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/04/2017.

 

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
RÚT TIỀN TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VƯỢT MỨC
PHẢI ĐĂNG KÝ TRƯỚC
Theo Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt trong 01 ngày (một hoặc nhiều lần thanh toán) vượt mức quy định phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản trước ít nhất 01 ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để Kho bạc Nhà nước có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời.

Trong đó, mức rút tiền mặt phải đăng ký đối với đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh là từ 200 triệu đồng trở lên và 100 triệu đồng trở lên với các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện.

Cũng theo Thông tư này, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước khi giao dịch

với Kho bạc Nhà nước cấp huyện có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên trong 01 lần thanh toán thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước cấp huyện mở tài khoản. Đơn vị phải làm thủ tục rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại ngay trong ngày được Kho bạc Nhà nước chuyển chứng từ rút tiền mặt sang ngân hàng thương mại; đồng thời, phải phối hợp hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của ngân hàng khi nhận tiền mặt tại ngân hàng thương mại. Trường hợp chưa rút được tiền mặt ngay trong ngày Kho bạc Nhà nước chuyển chứng từ rút tiền sang ngân hàng thương mại, đơn vị phải thông báo cho Kho bạc Nhà nước biết để phối hợp xử lý các chứng từ rút tiền mặt đã chuyển theo quy trình thanh toán song phương điện tử giữa Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2017.

 

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

CÔNG KHAI TRƯỜNG HỌC VI PHẠM VỀ AN TOÀN, TRẬT TỰ
Trước tình trạng bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh vẫn còn xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm mon, cơ sở giáo dục phổ thông, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không tốt đến an toàn, tính mạng học sinh và uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo…, ngày 20/02/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học; thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh, quan tâm giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh

đánh nhau, các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra với bản thân và người xung quanh để có biện pháp xử lý kịp thời; thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục về việc quản lý cấp phép và việc thực hiện các điều kiện đảm bảo trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ, các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự trường học và xử lý nghiêm, công bố công khai trên các phương tiện truyền thông các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm…

 

Khoa học-Công nghệ:

ĐA DẠNG HÓA NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/02/2017 tại Quyết định số 259/QĐ-TTg.

Tại Đề án, Thủ tướng khẳng định, sẽ tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư đổi mới công nghệ; xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đối tác công – tư; xử

lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên trong khai thác và chế biến khoáng sản…

Dự kiến đến năm 2020, giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống còn 5%, 20% với than khai thác bằng phương pháp hầm lò; nâng cao tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản; nâng cao mức độ an toàn lao động, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Cán bộ-Công chức-Viên chức:
THI THĂNG HẠNG VIÊN CHỨC 2016 – 2017
KẾT THÚC TRƯỚC 30/6
Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn số 823/BNV-CCVC ngày 20/02/2017 của Bộ Nội vụ về việc tổ chức kỳ thi thăng hạng viên chức lên chuyên viên chính năm 2016 – 2017.

Cụ thể, kỳ thi thăng hạng viên chức lên chuyên viên chính năm 2016 – 2017 gồm 04 môn thi: Môn kiến thức chung kéo dài trong 180 phút; Môn ngoại ngữ 90 phút; Môn chuyên môn, nghiệp vụ và môn tin học văn phòng, mỗi môn kéo dài 45 phút. Dự kiến, kỳ thi sẽ kết thúc trước ngày 30/06/2017.

Để được dự thi, viên chức phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; được cấp có

thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 năm liên tục gần nhất; có thời gian xếp lương chuyên viên hoặc tương đương chuyên viên từ đủ 09 năm trở lên, trong đó có thời gian 02 năm gần nhất xếp lương chuyên viên tính đến thời hạn nộp hồ sơ dự thi thăng hạng viên chức theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành quản lý hành chính công, quản lý công do Học viện Hành chính Quốc gia cấp… Đặc biệt, viên chức có tuổi đời từ 55 tuổi trở lên với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên với nữ và viên chức là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ…

 

Chính sách:
KHÔNG CẤP PHÉP CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG
CÔNG NGHỆ LẠC HẬU
Nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP…, ngày 21/02/2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch; các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời hạn 01 năm từ ngày phát hành cổ

phiếu lần đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định, sẽ thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo, thực hiện tự chủ các trường đại học, cao đẳng công lập; tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của Nhà trường.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 02 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Hình sự:

PHÁN ĐẤU ĐẾN 2020, GIẢM ĐẾN 5% VỤ ÁN HÌNH SỰ
Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 199/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/07/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020.

Chương trình này đề ra mục tiêu đến năm 2020, giảm từ 3 – 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ở các địa bàn trọng điểm; giảm từ 15% – 20% số vụ án do người chưa thành niên thực hiện. Đồng thời, giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 95% trở lên, phấn đấu đảm bảo ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn đối với 100% người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; giảm tỷ lệ người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân trốn, chết, phạm tội mới ở nơi giam giữ…

Với mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phải tích cực tấn công trấn áp các loại tội phạm và thực hiện các đề án: Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; Tăng cường hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho các lực lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và lực lượng trinh sát; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm chủ trì, xây dựng Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” nhằm đạt được mục tiêu hàng năm có từ 90 – 100% khu dân cư và gia đình ký các cam kết không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Cơ cấu tổ chức:

THAY ĐỔI CƠ CẤU BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Theo Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 17/02/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ còn 28 đơn vị trực thuộc thay vì 29 đơn vị như trước.

Cụ thể, Vụ Thông tin cơ sở; Cục Công tác phía Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế không còn trong cơ cấu tổ chức Bộ Thông tin và Truyền thông. Đơn vị được tổ chức mới bao gồm: Cục Thông tin cơ sở, Báo Vietnamnet và Học viện Công nghệ bưu chính, viễn thông; Tạp chí Công nghệ thông tin và truyền thông được đổi tên thành Tạp chí Thông tin và truyền thông. Các đơn vị còn lại vẫn được giữ nguyên theo quy định

hiện hành, gồm: Trung tâm Thông tin; Cục Bưu điện Trung ương; Cục Tin học hóa; Cục An toàn thông tin…

Trong đó, Vụ Kế hoạch – Tài chính được tổ chức 04 phòng; Vụ Pháp chế được tổ chức 01 phòng; Thanh tra Bộ được tổ chức 05 phòng; Cục Báo chí được tổ chức 05 phòng; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được tổ chức 06 phòng; Cục Viễn thông được tổ chức 10 phòng; Cục Bưu điện Trung ương được tổ chức 07 phòng và Cục Tần số vô tuyến điện được tổ chức 09 phòng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
CÓ 23 ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
Từ ngày 17/02/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ còn 23 đơn vị trực thuộc, giảm 01 đơn vị so với quy định trước đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Trong đó, Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng không còn trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Thanh tra Bộ và Văn phòng Bộ được đổi tên thành Thanh tra và Văn phòng; Vụ Lao động – Tiền lương đổi thành Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đổi thành Cục Trẻ em; Tổng cục Dạy nghề đổi thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. 18 đơn vị trực thuộc còn lại vẫn giữ nguyên như trước, gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Cục Quản lý Lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động; Cục Việc làm…

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động; thực hiện nhiệm vụ đầu mối quốc gia về lĩnh vực lao động trong quá trình Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế; hướng dẫn về tiền lương, tiền thưởng và thù lao đối với người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước; ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp và quy chế tuyển sinh, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:
GIẢM THỜI GIAN XỬ LÝ HỒ SƠ XIN CẤP
GCN AN TOÀN THỰC PHẨM XUẤT KHẨU
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

Theo đó, từ ngày 30/03/2017, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu của cơ quan quan có thẩm quyền sẽ được rút ngắn hơn so với trước đây. Cụ thể, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, cơ quan kiểm tra, chứng nhận sẽ thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định. Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc thay vì 05 ngày như trước, cơ quan kiểm tra, chứng nhận sẽ thông báo cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thời điểm dự kiến tiến hành thẩm định tại cơ sở, nhưng

không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trong khi quy định cũ là 10 ngày làm việc.

Về Danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lịch sử bảo đảm an toàn thực phẩm tốt, được áp dụng hình thức chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định, Thông tư quy định, các cơ sở được lập vào danh sách ưu tiên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tính đến thời điểm xem xét như: Có tên trong Danh sách các cơ sở tham gia chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo từng thị trường xuất khẩu; Có lô hàng xuất khẩu và không có lô hàng nào bị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian ít nhất 03 tháng kể từ ngày được phân loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hạng 1, 2.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/03/2017.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam    

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!