CÁC VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
TÓM TẮT VĂN BẢN:
Doanh nghiệp:
TIÊU CHÍ CỔ PHẦN HÓA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Ngày 17/07/2017, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Quyết định nêu rõ, thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các ngành, lĩnh vực: Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; Thoát nước và xử lý nước thải; Vệ sinh môi trường; Chiếu sáng; Sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; Dịch vụ tư vấn; Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; Quản lý, bảo trì bến tàu, bến xe; Kiểm định xây dựng; Hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe…
Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực, ngành nêu trên thực hiện chuyển thành công ty cổ phần phải đáp ứng các tiêu chí: Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi; Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2017.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/07/2017 với mục tiêu xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp; lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định…
Với các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Đề án chủ trương tăng vốn điều lệ và tiếp tục đẩy mạnh phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; Lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường; Phát triển mạnh các kênh phân phối điện tử; Ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế…
Với ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, Đề án tập trung vào các giải pháp: Hạn chế/Không chia cổ tức, lợi nhuận; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và tài sản của ngân hàng thương mại; Tạm đình chỉ, đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; Đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam…
Ngoài các nội dung nêu trên, Đề án này còn đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong đó, giai đoạn 2017 – 2018, vốn điều lệ của VAMC là 5.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 – 2020.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
ĐẾN NĂM 2020, PHẤN ĐẤU TỶ LỆ NỢ XẤU DƯỚI 3%
Tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/07/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu, thuộc trách nhiệm chi của ngân sách trung ương và nợ xấu của chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ. Chính quyền địa phương có trách nhiệm lập phương án phân bổ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản trị điều hành của tổ chức tín dụng, đặc biệt là quản trị rủi ro; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của hệ thống cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng…
Xây dựng:
CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ XÂY DỰNG
Ngày 17/07/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; thay thế cho Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/06/2013.
Theo đó, Bộ Xây dựng được quy định là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Xây dựng có 17 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, trong đó có: Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Quản
lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình; Cục Hạ tầng kỹ thuật… và 08 đơn vị khác là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, như: Viện Kiến trúc quốc gia; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Báo Xây dựng; Tạp chí Xây dựng…
Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ đều được tổ chức 04 phòng; Văn phòng được tổ chức thành 08 phòng; Thanh tra được tổ chức 09 phòng; Cục Kinh tế xây dựng được tổ chức 03 phòng; Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình được tổ chức 06 phòng; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản được tổ chức 07 phòng…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.
Tài nguyên-Môi trường:
PHÁT HÀNH BẢN TIN DỰ BÁO THIÊN TAI CHẬM,
PHẠT ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG
Đây là nội dung của Nghị định số 84/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18/07/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Cụ thể, Nghị định quy định hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng; với hành vi truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin, mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Mức phạt tiền 40 – 50 triệu đồng được áp dụng với các hành vi: Không truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; Truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn…
Đồng thời, Nghị định còn bổ sung quy định về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép hoạt động. Trong đó, phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng, đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 03 – 06 tháng với
hành vi phát hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn 03 lần liên tiếp trong 01 tháng không đủ độ tin cậy; Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng và đình chỉ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 06 – 12 tháng với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ kết quả hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…
Ngoài ra, một loạt mức phạt mới đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn cũng được nêu tại Nghị định này. Đáng chú ý, đốt lửa, phun nước ảnh hưởng đến công trình thuộc trạm khí tượng bị phạt đến 01 triệu đồng; Trồng cây lâu năm trong hành lang kỹ thuật che chắn công trình khí tượng thủy văn bị phạt đến 03 triệu đồng; Đổ rác thải, chất thải vào lòng sông, hai bên bờ sông trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn bị phạt đến 07 triệu đồng…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/09/2017.
MỨC THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC NƯỚC
Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được Chính phủ ban hành ngày 17/07/2017, có hiệu lực từ ngày 01/09/2017.
Theo đó, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, cụ thể: Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện là 01%; Khai thác nước dùng cho kinh doanh dịch vụ là 02%; Khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp (trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi) là 1,5%; Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác, khai thác nước mặt, nước dưới đất để làm mát máy, thiết bị, tạo hơi là 0,2%; Khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%.
Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gồm: Mục đích sử dụng nước; Chất lượng nguồn nước; Loại nguồn nước khai thác; Điều kiện khai thác; Quy mô khai thác; Thời gian khai thác.
Nghị định cũng chỉ rõ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp hàng năm theo số tiền được ghi trong quyết định phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Căn cứ khả năng của mình, chủ giấy phép lựa chọn phương thức nộp tiền theo tháng, quý hoặc theo năm tại Kho bạc Nhà nước địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước.
Giao thông:
TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG TRÊN LÒNG, LỀ ĐƯỜNG
Tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/07/2017 về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm về hành lang an toàn giao thông.
Trong đó, tập trung xử lý các hoạt động: Trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông; phá hoại công trình giao thông; đấu nối trái phép vào quốc lộ. Đồng thời, phải tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt…
Bộ Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm sửa đổi các quy định hiện hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như tăng thời lượng huấn luyện kỹ năng lái xe, chú trọng giáo dục đạo đức người lái xe. Khi triển khai các dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đường bộ, đường sắt phải lập phương án bồi thường để thu hồi hết phần đất của đường bộ; tổ chức cắm đầy đủ mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ.
Riêng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo công an địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và trật tự lòng đường, vỉa hè…
KHÔNG ĐỂ TẮC ĐƯỜNG TRÊN 30 PHÚT Ở HÀ NỘI, TP. HỒ CHÍ MINH
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1067/QĐ-TTg.
Cụ thể, Chương trình nêu rõ, tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; Hàng năm giảm từ 05 – 10% so với năm trước về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô…
Trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng được Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ mới được thành lập; Đầu tư phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tiên tiến, hiện đại…
Trong hoạt động phòng, chống ma túy, hàng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ của cả nước tăng từ 05 – 10% so với năm trước; triệt xóa từ 5 – 10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm trước và phấn đấu đến năm 2020, không còn “điểm nóng” về ma túy trên toàn quốc; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; phát hiện, triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cần sa trồng trái phép…
Quyết định này được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 19/07/2017.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
ĐIỀU KIỆN THI THĂNG HẠNG GIẢNG VIÊN
Ngày 21/07/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Thông tư này quy định, viên chức được dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên khi có các điều kiện: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và cử đi dự thi; Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) đối với viên chức đăng ký dự thi thăng hạng lên giảng viên chính (hạng II); đang giữ chức danh giảng viên chính (hạng II) đối với viên chức đăng ký dự thi thăng hạng lên giảng viên cao cấp (hạng I); Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật…
Viên chức dự thi phải hoàn thành 04 bài thi, bao gồm: Bài thi kiến thức chung; Bài thi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Bài thi ngoại ngữ và Bài thi tin học. Trong đó, bài thi kiến thúc chung thi trong 180 phút theo hình thức tự luận; Bài thi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thi theo hình thức thuyết trình và phỏng vấn trực tiếp, thời gian dự thi 30 phút/người; Bài thi ngoại ngữ thi theo hình thức viết trong 90 phút với viên chức thi thăng hạng lên giảng viên chính; hoặc thi theo hình thức viết trong 90 phút và phỏng vấn trong 15 phút với viên chức thi thăng hạng lên giảng viên cao cấp; Bài thi tin học theo hình thức trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy tính, thời gian 45 phút.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/09/2017.
TRƯỜNG HỌC PHẢI CÓ ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN THÔNG TIN HỌC SINH
Đây là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/07/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bao lực học đường; có hiệu lực từ ngày 05/09/2017.
Cụ thể, nhằm tạo ra môi trường giáo dục, an toàn, lành mạnh, thân thiện, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; Thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của học sinh; bảo mật cho người cung cấp thông tin; Xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của học sinh; Thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình học sinh và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của học sinh… Đồng thời, địa điểm đặt trường học phải không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm; Trường phải có khuôn viên, tường rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe phù hợp và thân thiện với học sinh; Có khối phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát, có bàn ghế phù hợp với học sinh; Tài liệu giảng dạy và học tập phải phù hợp với tâm sinh lý học sinh, bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và nhân văn, thẩm mỹ; Có tài liệu về kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại và tai nạn thương tích…
Với học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, cần phải phát hiện kịp thời học sinh có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường và học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường; Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; Thực hiện tham vấn, tư vấn cho học sinh có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực…
Văn hóa-Thể thao-Du lịch:
THAY ĐỔI CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Được Chính phủ ban hành ngày 17/07/2017, Nghị định số 79/2017/NĐ-CP quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trong đó cho thấy, cơ cấu tổ chức của cơ quan này đã có sự thay đổi so với trước đây.
Cụ thể, nếu như trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quy định có 27 đơn vị, bao gồm cả Cục Công tác phía Nam, thì theo Nghị định này, Cục Công tác phía Nam đã không còn trong cơ cấu tổ chức của Bộ. Như vậy, Bộ chỉ còn 26 đơn vị. Cục Di sản Văn hóa; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Điện ảnh; Cục Bản quyền tác giả; Cục Văn hóa cơ sở;
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Tổng cục Thể dục Thể thao; Tổng cục Du lịch… là những đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; trong khi đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Báo Văn hóa; Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể
thao và du lịch… là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý Nhà nước của Bộ.
Với chức năng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có các nhiệm vụ cụ thể như: Trình cấp có thẩm quyền thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành; Hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa sau khi được phê duyệt; Quy định về tổ chức thi và liên hoan các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp; Tổ chức liên hoan phim quốc gia và quốc tế tại Việt Nam; Cho phép tổ chức giải vô định từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tại Việt Nam; Quyết định công nhận khu du lịch quốc gia; Hướng dẫn việc quản lý khu du lịch quốc gia…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16/07/2013.
An ninh trật tự:
CỨU NGƯỜI LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU TRONG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ là cứu người bị nạn.
Ngay khi sự cố, tai nạn xảy ra, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, lực lượng dân phòng… có trách nhiệm tự tổ chức cứu nạn, cứu hộ, đồng thời báo ngay cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biết về diễn biến sự cố, tai nạn. Nếu sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng của mình thì yêu cầu cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến xử lý.
Phương tiện giao thông của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được phát tín hiệu ưu tiên. Người và phương tiện tham gia giao thông khi thấy tín hiệu ưu tiên của phương tiện đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ phải nhanh chóng nhường đường. Phương tiện giao thông cơ giới của cơ quan, tổ chức và cá nhân được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ cũng được hưởng quyền ưu tiên trong khu vực cứu nạn, cứu hộ; được ưu tiên qua cầu, phà và được miễn phí lưu thông trên đường.
Phương tiện, tài sản được huy động để cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ; trường hợp bị mất, hư hỏng thì được bồi thường theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 04/10/2017; thay thế Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012.
Chính sách:
ĐẾN 2020, CHIỀU CAO BÌNH QUÂN CỦA NAM THANH NIÊN VIỆT NAM 1M67, NỮ 1M56
Đây là một trong các chỉ tiêu trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/07/2017 tại Quyết định số 1042/QĐ-TTg.
Cụ thể, để nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho thanh niên, chỉ tiêu đặt ra, đến năm 2020, chiều cao bình quân của thanh niên 18 tuổi đối với nam là 1m67, nữ là 1m56; 70% thanh niên, vị thành niên được trang bị kiến thức, kỹ năng về sức khỏe, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; Giảm 70% tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên so với năm 2015;…
Đồng thời, với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên, Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020:
Mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600.000 thanh niên; Giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị xuống dưới 07%; Giảm tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn xuống dưới 06%; Trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm; 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục hướng nghiệp;…
Để nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ và tin học, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên, mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 80% thanh niên ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt trình độ trung học cơ sở;…
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Hành chính:
QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC THỐNG KÊ TẬP TRUNG
Từ ngày 05/09/2017, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê bộ, cơ quan ngang bộ sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 85/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/07/2017.
Cụ thể, Nghị định này quy định hệ thống tổ chức thống kê tập trung gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương (ở địa phương, gồm có cơ quan thống kê cấp tỉnh và cấp huyện). Hệ thống tổ chức thống kê tập trung có các nhiệm vụ như: Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin
thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và chương trình điều tra thống kê quốc gia; Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, số liệu thống kê…
Cũng theo Nghị định, thống kê bộ, cơ quan ngang bộ là tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý Nhà nước về thống kê, tổ chức hoạt động thống kê thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật. Thống kê bộ, cơ quan ngang bộ chịu sự hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ thống kê của cơ quan thống kê trung ương.
Tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ là Phòng Thống kê thuộc Vụ Kế hoạch tài chính hoặc tổ chức hành chính khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Nghị định này có hiệu lực ngày 05/09/2017; thay thế Nghị định số 03/2010/NĐ-CP ngày 12/01/2010.
Công nghiệp:
KHUNG GIÁ BÁN BUÔN ĐIỆN CỦA EVN NĂM 2017
Ngày 19/07/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2719/QĐ-BCT quy định về khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các Tổng công ty Điện lực năm 2017.
Theo đó, mức giá bán buôn điện của EVN cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc dao động từ 1.117 đồng/kWh – 1.173 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực miền Nam từ 1.316 đồng/kWh – 1.348 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực miền Trung từ 1.139 đồng/kWh – 1.209 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực Hà Nội từ 1.358 đồng/kWh – 1.414 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh từ 1.506 đồng/kWh – 1.551 đồng/kWh. Giá bán buôn điện bình quân của EVN cho các Tổng công ty Điện lực không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá nêu trên. Mức giá bán buôn điện cụ thể cho từng Tổng công ty Điện lực sẽ do EVN ban hành.
Thời gian áp dụng khung giá bán buôn điện bình quân của EVN cho các Tổng công ty Điện lực từ ngày 01/01/2017 đến 31/12/2017.
Trích nguồn LuatVietnam.vn