Xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, mặc dù đến nay thời điểm có hiệu lực thi hành của Bộ luật đang tạm lùi lại, nhưng với những chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016, thì những quy định có lợi cho người phạm tội được thi hành ngay, trong đó có các quy định về thời hạn xóa án tích. Sau đây, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm về việc xóa án tích quy định tại Điều 70 Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015
Ảnh minh họa

 

Điều 64 Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) Điều 70 Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015
Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

 

  1. Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
  2. Ba năm trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
  3. Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười năm năm;
  4. Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười năm năm.

 

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

  1. 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
  2. 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
  3. 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

 

  1. 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

So sánh quy định về xóa án tích giữa Điều 64 Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Điều 70 Khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 như trên cho thấy việc xóa án tích đã được quy định có lợi hơn cho người phạm tội ở nhiều mặt, cụ thể như sau:

Thứ nhất, thời hạn xóa án tích được rút ngắn.

Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định thời điểm để tính xóa án tích từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới”. Đây là vấn đề chúng tôi muốn trao đổi cùng bạn đọc, vì hiện nay vấn đề này còn có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, dù chấp hành xong hình phạt chính (hoặc từ khi hết thời gian thử thách của án treo) thì người phạm tội vẫn phải chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian quy định. Thời gian được xóa án tích sẽ bắt đầu được tính từ khi họ chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, vấn đề có lợi chỉ là thời hạn mà họ không thực hiện hành vi phạm tội mới được rút ngắn hơn.

Quan điểm thứ hai, thời hạn tính xóa án tích cho người phạm tội bắt đầu được tính từ khi họ chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo; việc chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án là điều kiện cần, đi kèm với việc họ không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 01 năm, 02 năm, 03 năm, 05 năm tương ứng theo các điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015. Lấy ví dụ cụ thể như sau để làm rõ hơn cho quan điểm này:

Ngày 01/12/2012, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 165/2012/HS-ST, Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân quận HĐ, thành phố HN kết án 03 năm tù về tội Trộm cắp tài sản, phạt bổ sung 5.000.000 đồng, án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng, đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại. Ngày 01/8/2015, A chấp hành xong hình phạt tù. Ngày 01/10/2017, A lại thực hiện hành vi phạm tội Cố ý gây thương tích. Vấn đề đặt ra:

Trường hợp thứ nhất, A nộp xong hình phạt bổ sung 5.000.000 đồng, án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng trước ngày 01/8/2017. Như vậy, đã quá 02 năm từ khi A chấp hành hình phạt chính (phạt tù), và trong thời hạn 02 năm đó A đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Do đó lần phạm tội vào ngày 01/10/2017 của A không bị xác định là “tái phạm”.

Trường hợp thứ hai, A nộp xong hình phạt bổ sung 5.000.000 đồng, án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng trong khoảng thời gian từ 01/8/2017 đến 30/9/2017. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp nêu trên, có nghĩa là A cũng đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong thời hạn 02 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính. Do đó, lần phạm tội ngày 01/10/2017 của A vẫn không bị tính là “tái phạm”.

Trường hợp thứ ba, A nộp xong hình phạt bổ sung 5.000.000 đồng, án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng trong khoảng thời gian từ ngày 01/10/2017 trở đi (hoặc chưa nộp), thì thời hạn tính xóa án tích khi đó được tính từ khi A thi hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 165/2012/HS-ST.

Chúng tôi cùng thống nhất với quan điểm thứ hai. Rất mong các đồng nghiệp cùng trao đổi để nhận thức và áp dụng đúng đắn các quy định pháp luật hình sự./.

Tổ tuyên truyền VKSND quận Kiến An