Người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam có cần phải xin Giấy phép lao động?

Tôi là chuyên gia kỹ thuật quốc tịch Hàn Quốc, hiện đang có một doanh nghiệp Việt Nam muốn cùng tôi kí kết hợp đồng lao động với thời hạn 3 năm. Luật sư cho tôi hỏi: tôi có cần phải xin cấp Giấy phép lao động không? Hồ sơ thủ tục thực hiện như thế nào? Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6192 của Công ty Luật TNHH Đại Nam. Dựa theo thông tin mà bạn cung cấp, Công ty Luật TNHH Đại Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ theo Khoản d Điều 169 và Điều 172 Bộ Luật lao động 2012, khi bạn muốn thực hiện hợp đồng lao động tại Việt Nam thì bạn cần phải có Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lao động cho bạn là Sở Lao động –  Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở kinh doanh của công ty mà bạn muốn ký hợp đồng lao động.

Khi đi, bạn cần mang theo 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ đã được quy định tại Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH như sau:

1/ Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

2/ Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ;

3/ Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp;

Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ;

4/ Văn bản chứng minh là chuyên gia kỹ thuật;

5/ 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

6/ Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.

7/ Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực các giấy tờ: Các loại giấy tờ ở trên là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực.

Nếu các giấy tờ trên của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý: Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, Giấy phép lao động chỉ có giá trị trong vòng 2 năm mà hợp đồng lao động bạn muốn kí lại có thời hạn 3 năm, vì vậy, ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày Giấy phép lao động hết hạn, bạn phải làm thủ tục xin cấp lại Giấy phép lao động để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã kí kết.

Trên đây là phần tư vấn pháp luật của Bộ phận tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Đại Nam. Nếu như còn vấn đề nào vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, xin bạn vui lòng liên hệ qua số tổng đài: 1900 6192 để được giải đáp cụ thể hơn. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác của bạn!

Trân trọng./.

Chuyên viên Lê Thị Mai Lâm

https://luatdainam.vn/nguoi-lao-dong-nuoc-ngoai-muon-lam-viec-tai-viet-nam-co-can-phai-xin-giay-phep-l