Trình tự thực hiện
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ:
– Công dân, tổ chức: nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa”, nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.
– Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT: tiếp nhận hồ sơ, trả giấy biên nhận cho công dân, tổ chức.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ:
+ Phòng Đăng ký kinh doanh thụ lý hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết.
+ Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và chuyển cho Bộ phận một cửa phòng ĐKKD để trả cho công dân, doanh nghiệp.
Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ:
+ Công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phòng ĐKKD
Cách thức thực hiện
Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” phòng ĐKKD của Sở KH&ĐT:
Tầng 3, Nhà B10A – Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Thành phần, số lượng hồ sơ
a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:
1. Trường hợp đăng ký hoạt động Chi nhánh/VPĐD:
– Thông báo đăng ký hoạt động Chi nhánh/VPĐD
– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
– Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Trường hợp lập Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp/Chi nhánh doanh nghiệp:
– Thông báo lập địa điểm kinh doanh.
3. Trường hợp lập Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp/Chi nhánh doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương)
– Thông báo lập địa điểm kinh doanh.
– Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư;
– Trường hợp doanh nghiệp đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh thay thế cho nội dung đăng ký hoạt động trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện do cơ quan đăng ký đầu tư cấp mà không thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở. Hồ sơ gồm:
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện do cơ quan đăng ký đầu tư cấp;
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
+ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc NĐDTPL của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (1. Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực. 2. Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.), kèm theo :
– Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc
– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
Mẫu đơn, mẫu tờ khai
1. Thông báo về việc đăng ký hoạt độngchi nhánh, văn phòng đại diện, lập địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-11, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
2. Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (Phụ lục II-19, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
Thời hạn giải quyết
03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ
Đối tượng thực hiện TTHC
Tổ chức /cá nhân
Cơ quan thực hiện TTHC
a) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC và có thẩm quyền quyết định: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): không
c) Cơ quan phối hợp (nếu có): Các cơ quan liên quan (các Bộ, các Sở, Ngành, UBND quận, huyện…).
Kết quả giải quyết TTHC
– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh/VPĐD
– Giấy chứng nhận đăng ký điạ điểm kinh doanh
Phí, lệ phí
100.000 VNĐ
Các yêu cầu khác trong giải quyết TTHC
Khi nhận kết quả giải quyết hồ sơ, người đến nhận phải mang các giấy tờ sau:
– Giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.
– Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc NĐDTPL của doanh nghiệp trực tiếp đến nhận kết quả thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (1. Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực. 2. Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.), kèm theo :
+ Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc
+ Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý liên quan của TTHC
1/ Các Luật:
– Luật Doanh nghiệp 2014;
– Luật Đầu tư năm 2014;
2/ Các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương:
– Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp;
– Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
– Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 về Chứng minh nhân dân; Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân. Nghị định 106/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/9/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ;
– Thông tư số 176/2012/TT-BTC ngày 23/10/2012 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp. Thông tư số 106/2013/TT-BTC ngày 09/8/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 176/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh;
– Thông tư số 20/2015 /TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
– Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT ngày 17/05/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội theo Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều của Luật Doanh nghiệp;
– Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
– Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH 10/4/2007 về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
– Các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan khác.