XẢ THẢI KHÔNG PHÉP VÀO NGUỒN NƯỚC PHẠT ĐẾN 250 TRIỆU

Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/04/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, mức phạt tiền đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép dao động từ 20 – 250 triệu đồng.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng áp dụng với hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5m3/ngày đêm; mức phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng áp dụng với hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 10.000m3/ngày đêm đến dưới 30.000m3/ngày đêm; từ 220 – 250 triệu đồng với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000m3/ngày đêm trở lên và hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 200.00m3/ngày đêm trở lên… Đặc biệt, từ ngày 20/05/2017, tự ý cho tổ chức, cá nhân khác xả nước thải vào hệ thống xử lý nước thải do mình đầu tư, quản lý sẽ bị phạt tiền từ 120 – 130 triệu đồng.

Đối với hành vi chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận, mức phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; 120 – 150 triệu đồng với khai thác khác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh và từ 260 – 300 triệu đồng đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng theo Nghị định này, cá nhân không đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, không đăng ký ngày bắt đầu khai thác với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng với trường hợp do UBND tỉnh cấp phép hoặc từ 30 – 50 triệu đồng với trường hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2017.