Phương hướng, cách khắc phục hậu quả
trình tự khởi kiện thu hồi nợ khó đòi
Xử lý, thu hồi nợ xấu luôn là bài toán khó của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ trước đến nay. Đây là công việc rất khó khăn và nhạy cảm, đòi hỏi người đi thu nợ phải nắm rõ các vấn đề pháp lý như thủ tục khởi kiện, hồ sơ khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
Những nguyên nhân dẫn đến khoản nợ khó đòi bao gồm:
1. Đối tác có ý định chiếm dụng vốn để kinh doanh do không phải trả lãi;
2. Do hồ sơ công nợ không bảo đảm về tính pháp lý, còn tranh chấp;
3. Phía đối tác không còn khả năng thanh toán.
Việc chiếm dụng vốn của phía đối tác được biểu hiện dưới các dạng sau:
+ Chây ỳ, có ý đồ muốn xù nợ và họ đưa ra nhiều lý do như:
Chủ đầu tư chưa thanh toán và công trình chưa được nghiệm thu, phê duyệt, nên không thể trả được cho các nhà thầu thi công (đối với khoản nợ phát sinh trong xây dựng cơ bản), bị thua lỗ, bị nhiều các đơn vị khác chiếm dụng vốn (đối với khoản nợ phát sinh trong kinh doanh thương mại, sản xuất…)
+ Hoặc có trả nợ nhưng chỉ trả ít “ nhỏ giọt”, cố tình kéo dài thời hạn thanh toán.
+ Thường xuyên tìm cách lẩn tránh.
+ Không ký nhận vào bất kỳ giấy tờ, tài liệu, biên bản xác nhận công nợ nào khác (không có công văn phúc đáp).
Do hồ sơ công nợ còn tranh chấp
Hồ sơ công nợ còn tranh chấp là dạng hồ sơ thiếu căn cứ về pháp lý do bị thất lạc chứng từ tài liệu giao dịch hoặc sự bất đồng, mâu thuẫn của hai bên nên chưa thể thỏa thuận được các tài liệu giao dịch.
Do phía đối tác không còn khả năng thanh toán
Nguyên nhân như: Việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ không hiệu quả do khách nợ cũng bị các đơn vị khác chiếm dụng vốn… nên dẫn đến các khoản nợ khó đòi.
Thời hiệu khởi kiện thu hồi nợ khó đòi của doanh nghiệp
Luật Thương mại quy định: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về nợ khó đòi phát sinh từ hợp đồng là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu hết thời hạn 2 năm mà doanh nghiệp không tiến hành khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền thì sẽ mất quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, khi thời hiệu khởi kiện thu hồi nợ khó đòi đã hết, doanh nghiệp vẫn có thể xác lập lại thời hiệu khởi kiện mới trong các trường hợp sau:
– Bên nợ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đối doanh nghiệp.
– Bên nợ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp.
– Bên nợ và doanh nghiệp tự hòa giải với nhau.
Việc xác lập có thể được thực hiện thông qua:
Biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên,
Bản thỏa thuận về nợ hay giấy xác nhận nợ hoặc các văn bản khác thể hiện bên nợ đã thực hiện một phần nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp như hóa đơn GTGT về thanh toán công nợ, thông tin chuyển khoản thanh toán tiền nợ của bên nợ…
Với 1 trong 3 trường hợp này, thời hiệu khởi kiện thu hồi nợ khó đòi sẽ bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy sự kiện nêu trên.
Khởi kiện để thu hồi khoản nợ khó đòi
Khởi kiện tại tòa án nhân dân bên Bị đơn có trụ sở chính (nếu là tổ chức) hoặc nơi cư trú (nếu là cá nhân).
Khi tiến hành khởi kiện cần chuẩn bị các tài liệu sau:
Đơn khởi kiện
Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư…
Các tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp: Hợp đồng, hóa đơn, phiếu xuất kho, phiếu giao hàng, biên bản xác nhận công nợ giữa hai bên, công văn hoặc thông báo nhắc nợ,…
Lưu ý:
Các tài liệu nêu trên phải là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
Hợp đồng là một trong những chứng từ quan trọng để chứng minh nguồn gốc phát sinh công nợ. Tuy vậy, nếu hợp đồng làm ăn giữa hai bên đã bị mất thì công ty bạn vẫn có khả năng thu hồi khoản nợ đó nếu còn các văn bản chứng từ chứng minh cho việc hai bên đã thực hiện hợp đồng như: Hóa đơn, biên bản giao nhận hàng hóa, các biên bản làm việc, đối chiếu công nợ… Do đó, công ty của bạn vẫn có cơ sở làm việc giải quyết thu hồi khoản nợ khó đòi đó.