Hai tử tù trốn trại tiếp tục phải bị điều tra, xét xử về hành vi trốn trại?
Hỏi: Trong vụ việc trốn trại của 2 tử tù, Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ đã bị tuyên tử hình. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục vi phạm pháp luật thì có phải bị xử lý hay không? Nếu có thì việc 2 tử tù này trốn trại sẽ phải xử lý ra sao?
Trả lời:
Thứ nhất, Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình (nếu có).
Mặc dù, Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ đã có một hoặc nhiều bản án đang có hiệu lực và tổng mức hình phạt của họ là Tử hình. Tuy nhiên, các bản án trước đó có ý nghĩa nhằm xử lý đối với các hành vi nguy hiểm đã được nêu trong bản án. Còn đối với các hành vi vi pháp luật mới hoặc hành vi chưa bị truy cứu, thì họ vẫn phải tiếp tục được xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ luật hình sự Việt Nam không quy định trường hợp một người vì đang bị xử phạt bởi một bản án mà được miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm khác và cũng không có ngoại lệ đối với người đã bị kết án tử hình.
Theo đó, thì Cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn phải có trách nhiệm thực hiện điều tra, truy tố, xét xử đối với Nguyễn Văn Tình và Lê Đức Thọ nếu họ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều 51 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
“Điều 51. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
… 2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này….”
Thứ hai, hành vi trốn trại của hai tử tù trên có dấu hiệu hình sự.
Thông tin truyền thông những ngày vừa qua cho biết, Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ đang bị giam tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an để chờ thi hành bản án hình sự với phạt là tử hình.
Tuy nhiên, ngày 11/09/2017, hai tử tù này đã cố ý trốn khỏi Trại tạm giam T16. Hành vi của Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ có dấu hiệu cấu thành tội trốn khỏi nơi giam (Điều 311 Bộ luật hình sự 1999).
“Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a ) Có tổ chức;
b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải…”