Tranh tụng trong xét xử vụ án Hình sự theo quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự

Việc Tranh tụng trong xét xử được thể hiện bằng việc đối đáp, phản bác hay yêu cầu làm sáng tỏ sự việc, giữa cơ quan điều tra, VKS với bị can, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bào chữa… để làm sáng tỏ các tình tiết trong vụ án, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, không gây oan sai hay bỏ lọt tội phạm.
Việc Tranh tụng trong xét xử  được quy định cụ thể tại Điều 26 BLTTHS năm 2015 cụ thể: “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.

Như vậy, quá trình tranh tụng được thể hiện ở các giai đoạn xét xử có sự hiện diện đầy đủ của ba bên: bên buộc tội, bên gỡ tội và hội đồng xét xử, diễn ra trong suốt quá trình tố tụng từ giai đoạn khởi tố, điều tra đến xét xử, là cần thiết để thu thập các chứng cứ, tài liệu và các tình tiết của vụ án đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Việc Luật Sư tham gia tranh tụng từ giai đoạn điều tra, khởi tố, xét xử nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đầy đủ, bảo vệ các quyền của người bị buộc tội, nhất là quyền tự bào chữa, quyền nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Việc nhờ Luật sư hay người khác tham gia bào chữa được quy định tại khoản 1, Điều 75 BLTTHS năm 2015 “Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn”.

Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên phải thực hành quyền công tố ngay từ khi Cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và các trình tự, thủ tục trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Để bảo đảm tranh tụng trong xét xử, Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước phiênTòa đã mở.

Tòa án giải quyết yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên,Người bào chữa, người tham gia tố tụng khác về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; yêu cầu sự có mặt của người bào chữa; người giám định, người định giá, người dịch thuật; Điều tra viên và những người khác….

Như vậy, có thể thấy việc tham gia tranh tụng của Luật Sư là rất quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, đồng thời thu thập, củng cố đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, tạo cơ sở, căn cứ vững chắc cho việc chứng minh hành vi không phạm tội hay giảm nhẹ hình phạt cho Bị Can Bị Cáo hay nói đúng hơn là để làm sáng tỏ sự thật.


Luật Sư: Hoàng Văn Hà

Đoàn Luật sư Hà Nội