Một số điểm mới chủ đạo của Bộ Luật dân sự năm 2015

Bộ luật dân sự sửa đổi (BLDS năm 2015) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 24-11-2015, gồm 27 chương, 689 điều. Bài viết này giới thiệu một số quy định mới, có tính đột phá của Bộ luật dân sự năm 2015.
1. Bộ luật dân sự năm 2015 thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư

Trong điều kiện hiện nay, khi bên cạnh BLDS đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình… Trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành, BLDS đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc. Các quy định trong BLDS năm 2015 thể hiện rõ nét chức năng đạo luật gốc của hệ thống luật tư.
Điểm nhấn trọng tâm trong sửa đổi BLDS năm 2015 là sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp với việc mở rộng các loại nguồn theo thứ tự ưu tiên áp dụng từ Điều 4 đến Điều 6 BLDS năm 2015: Áp dụng BLDS; áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật. Đặc biệt, lần đầu tiên ghi nhận quy định tại khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ và lẽ công bằng”.

Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự, góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, BLDS năm 2015 quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tạo hành lang pháp lý bảo đảm tất cả quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2015. (Ảnh TTXVN)
Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2015. (Ảnh TTXVN)
2. Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự

Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự, BLDS năm 2015 bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại Bộ luật này. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Với quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là điểm nối thống nhất trong ghi nhận lập pháp từ quy định của BLDS đến Bộ luật tố tụng dân sự – một phương thức bảo đảm quyền khởi kiện, làm cho các chủ thể có quyền khởi kiện có đủ những điều kiện cần thiết, chắc chắn để thực hiện được trên thực tế quyền khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thông qua các biện pháp được xác định. Đây là một quy định mới mang tính chất đột phá, góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự. Quy định này đánh dấu một bước đi cụ thể trong việc triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, góp phần thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm hội nhập quốc tế.

3. Quyền nhân thân của cá nhân

Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự được quy định trong Hiến pháp và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật, vấn đề xác định lại giới tính đã được ghi nhận. Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Khi ghi nhận quy định này, BLDS năm 2015 đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội mà không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc và phù hợp với thông lệ quốc tế chung. Nhà nước cần sớm có hướng dẫn để người được hưởng quyền cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan dễ dàng áp dụng. Vấn đề xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính trong BLDS năm 2015 được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam và là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng người chuyển giới nói riêng và LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) nói chung tại Việt Nam trong quá trình đấu tranh để được xã hội và pháp luật công nhận.

4. Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự được thực sự minh thị

Với sự điều chỉnh lần này của BLDS năm 2015 về phạm vi điều chỉnh và chủ thể, vẫn kế thừa tinh thần của BLDS năm 2005. Một mặt, vẫn thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là những thực thể pháp lý đang tồn tại trong đời sống xã hội, tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự như quan hệ sử dụng đất, điện, nước… phù hợp với các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình và lịch sử của Nhà nước ta. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận trong sửa đổi của BLDS năm 2015, đó là đưa ra quy định việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân vào quan hệ dân sự là thông qua cá nhân đại diện. Điểm mới này của BLDS năm 2015 đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập kéo dài trong nhiều năm qua liên quan đến việc tham gia các quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án và cơ quan nhà nước khác.

5. Quy định về tài sản và quyền sở hữu

Để bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác.

Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, BLDS năm 2015 quy định: (1) Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; (2) Trường hợp tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết thì quyền sở hữu và vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; (3) Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

So với quy định trong BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác. Bên cạnh việc ghi nhận thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với động sản và bất động sản như trong BLDS năm 2005 thì BLDS năm 2015 đã quy định thêm thời điểm xác lập quyền sở hữu khác đối với tài sản, dự liệu nhiều các trường hợp và thứ tự ưu tiên lựa chọn các trường hợp để các bên xác lập quyền sở hữu và quyền tài sản khác cả trong những trường hợp thỏa thuận được và những trường hợp các bên có tranh chấp. Ngoài ra, BLDS năm 2015 cũng quy định trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản khi chưa được chuyển giao thuộc về bên có tài sản.

6. BLDS năm 2015 hướng tới sự ổn định các giao lưu dân sự

BLDS năm 2015 vẫn ghi nhận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo tinh thần của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Quy định này là một sự thay đổi linh hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với BLDS năm 2005. BLDS năm 2015 đã giải thoát điều kiện tuân thủ về hình thức trong mọi trường hợp của BLDS năm 2005 để bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch. Đây là một giải pháp nhằm hạn chế cơ hội việc một bên không tự nguyện tham gia giao dịch, lại viện dẫn lý do vi phạm về hình thức của giao dịch để hủy toàn bộ giao dịch khi giá trị của đối tượng hợp đồng biến động có lợi hơn cho bên không thiện chí tham gia.

Về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình, so với quy định trong BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã được ban hành theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình được bảo vệ trong trường hợp “nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa” (tương tự quy định BLDS năm 2005). Bên cạnh đó, BLDS năm 2015, quyền lợi của người thứ ba ngay tình còn được bảo vệ trong trường hợp “giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu” (khoản 2 Điều 133). BLDS năm 2015 khẳng định rõ ràng, chủ sở hữu tài sản không có quyền khởi kiện đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này (khoản 3 Điều 133).

7. Trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự

BLDS năm 2015 với nhiều quy định về trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ nhằm bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, lẽ công bằng trong các quan hệ dân sự cũng như trong giải quyết vụ việc dân sự. Cụ thể, cá nhân, pháp nhân không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp chủ thể này có căn cứ được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật dân sự.

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế thiệt hại có thể gây ra cho mình. Trong trường hợp người bị thiệt hại chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại cho mình thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tương ứng với mức thiệt hại mà lẽ ra người bị thiệt hại có thể hạn chế được. Trường hợp việc không thực hiện đúng nghĩa vụ và thiệt hại gây ra là do một phần lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người bị thiệt hại. Trong trường hợp bên vi phạm chứng minh được việc không thực hiện đúng nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.
PGS, TS. Nguyễn Minh Hằng – Học viện Tư pháp
ThS. Ngô Tiến Hùng – Phó Chánh án Toàn án cấp cao tại Hà Nội