Bộ luật hình sự 2015 (BLHS 2015) có nhiều quy định mới thể hiện rõ tinh thần nâng cao hơn việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hướng tới những quy định nhân đạo hơn với người phạm tội, đặc biệt là người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng ban đầu đã xuất hiện một số điểm còn bất cập, dẫn đến nhiều cách cách hiểu khác nhau. Trên trang tin điện tử của ngành, ngày 10/8/2016, đồng chí Vũ Văn Quang – Viện kiểm sát nhân dân huyện An Dương đã phân tích làm rõ điểm bất cập trong cách tính thời hạn xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Sau đây, tôi muốn đưa ra cùng trao đổi với các đồng chí thêm một góc độ khác từ chế định này.
Khoản 2 Điều 69 BLHS 2015 quy định:
“2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”
Khoản 1 Điều 107 BLHS 2015 quy định:
“1. Người dưới 18 tuổi được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.”
Hiện nay, có 2 quan điểm về cách hiểu các trường hợp này như sau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người bị kết án trong các trường hợp này đương nhiên được coi là không có án tích kể từ khi bản án có hiệu lực, không liên quan tới việc người đó đã chấp hành xong bản án hay chưa. Nói theo cách khác, trường hợp này cũng giống như một cách xóa án tích đặc biệt, vô điều kiện: xóa án tích ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, áp dụng như vậy là tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được hưởng những quy định có lợi nhất theo đúng tinh thần của chính sách hình sự mới.
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần thiết phải xem xét việc xóa án tích đối với người đã bị kết án khi họ đã chấp hành xong bản án. Bởi lẽ, theo quy định của BLHS 2015, hiện nay, có 02 trường hợp xóa án tích là: đương nhiên xóa án tích (Điều 70) và xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 và Điều 72). Trong đó, xóa án tích theo quyết định của Tòa án chỉ áp dụng với 2 trường hợp: người bị kết án về các tội quy định tại chương XIII, chương XXVI của BLHS 2015 và người được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (có tiến bộ rõ nét, đã lập công và được nơi công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú đề nghị khi đáp ứng được điều kiện về thời gian). Theo các quy định này, việc xóa án tích chỉ được xem xét khi người bị kết án đã chấp hành xong bản án (chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo, chấp hành xong hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án).
Vì các trường hợp “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích” được quy định trong các điều luật về “xóa án tích” nên cần hiểu đây là trường hợp xóa án tích đặc biệt theo tinh thần của Điều 70 như một cách tính xóa án tích thứ 3. Theo đó, nếu các trường hợp bình thường sẽ được xem xét xóa án tích khi đã hết thời hạn được quy định mà không phạm tội mới (từ một đến năm năm) thì trường hợp đặc biệt này được đương nhiên xóa án tích ngay sau khi thi hành xong bản án. Sự khoan hồng của pháp luật được thể hiện ở việc đã rút ngắn triệt để thời hạn xóa án tích trong trường hợp này.
Hơn nữa, xét đến cùng, việc tính đã xóa án tích hay chưa cũng chỉ là để đánh giá quá trình nhân thân của một con người cũng như xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” đối với họ trong lần phạm tội tiếp theo. Điều 91 BLHS 2015 chỉ quy định rõ:
“Án đã tuyên đố với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.
Theo quy định này, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội dù đã thi hành xong hay chưa thì cũng không dùng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Nếu 03 đối tượng còn lại (người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, người được miễn hình phạt – theo Điều 69; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý và người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương XII – theo Điều 107) cũng được hưởng chính sách này như người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì phải được quy định rõ trong điều luật. Vì họ không được quy định rõ về việc án đã tuyên không được dùng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm (như người chưa đủ 16 tuổi phạm tội) nên tôi cho rằng vẫn cần phải sử dụng để tính án tích như đã phân tích ở trên.
Theo người viết, nếu hiểu và áp dụng theo cách thứ hai, sẽ vừa đảm bảo tính chất trừng phạt, răn đe của bản án trước, vừa thể hiện tinh thần nhân đạo hơn với những người bị kết án theo khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, nó còn giải quyết được mâu thuẫn trong trường hợp người bị kết án chưa thi hành xong bản án trước đã phạm tội mới và bị tổng hợp hình phạt.
Ví dụ: A có 01 tiền án về tội trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 138 BLHS), được xử 9 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng (Khi phạm tội, A mới 17 tuổi 11 tháng). Trong thời gian thử thách, A tiếp tục phạm tội mới: trộm cắp tài sản trị giá trên 2 triệu đồng.
Công văn số 01 ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn: “Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 (Điều 51 BLHS năm 1999) như đối với trường hợp người đã đủ 18 tuổi.”
Nếu hiểu theo cách đầu tiên, tại bản án lần này, cần áp dụng Điều 107 BLHS 2015 để nhận định coi như A không có án tích nghĩa là chưa bị kết án nhưng lại tổng hợp hình phạt với bản án trước. Như vậy, bản án trước của A trong trường hợp này gọi là gì, nếu đã coi là không có tiền án thì căn cứ vào đâu để tổng hợp hình phạt?
Còn theo quan điểm thứ hai, công văn 01 ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân Tối cao không nêu rõ là trong trường hợp này có tính A đã tái phạm hay không mà chỉ hướng dẫn về việc tổng hợp hình phạt. Hơn nữa, Khoản 2 Điều 56 BLHS quy định: “ Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này”. Quy định này không loại trừ việc sử dụng bản án mà người phạm tôi đang chấp hành để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Để phù hợp với quy định về tiền án, xóa án tích và tổng hợp hình phạt, theo tôi, cần hiểu theo hướng: vì A chưa thi hành xong bản án đầu tiên, nên không thể xem xét đến việc xóa án tích đối với bản án này. Do đó, vẫn cần nhận định là A phạm tội thuộc trường hợp tái phạm và tổng hợp hình phạt đối với cả hai bản án.
Từ những phân tích nêu trên, thiết nghĩ, để có cách hiểu và áp dụng chính xác, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp “không bị coi là có án tích” được quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự 2015. Theo quan điểm của cá nhân tôi, “không bị coi là có án tích” chính là trường hợp đặc biệt, được quy định tại điều luật về “xóa án tích”. Do đó, cũng như chính tên gọi của điều luật này, nên chăng cần hiểu theo hướng chỉ xem xét người đã bị kết án có được đánh giá là “không bị coi là có án tích” hay không khi họ đã chấp hành xong bản án. Như vậy, vừa thể hiện rõ sự khoan hồng của Nhà nước với những đối tượng đặc biệt này, vừa đảm bảo sự thống nhất, nguyên tắc pháp chế trong các quy định của pháp luật.
Từ góc độ học thuật, cũng là trăn trở của cá nhân người viết khi tiếp cận theo hướng phản biện, tôi muốn đưa ra cùng trao đổi để có cách nhìn đa chiều hơn về vấn đề này. Rất mong nhận được hướng dẫn cũng như ý kiến trao đổi của các đồng chí để tôi có thể hoàn thiện hơn nhận thức của mình
Đồng Thị Lan Anh – Viện kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền