Quy kết Bị can, Bị Cáo “Quanh co chối tội” là vi Hiến.

Thực trạng quá trình điều tra, truy tố, xét xử thay vì thu thập chứng cứ chứng minh các hành vi phạm tội của bị can, bị cáo thì các cơ quan này thường hay sử dụng cụm từ “ Quanh co chối tội” để quy kết, đây là lối hành văn theo kiểu “Vi Hiến” hơn thế cụm từ này còn được dùng để làm tình tiết tăng nặng cho hành vi phạm tội của Bị Can, Bị Cáo

LS thẩm vấn điều tra viên về kết luận Trịnh Xuân Thanh chối tội

  1. Cụ thể tại Điều 31. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “ Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
  2. Điều 13 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự quy định:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Mặt khác các quyền của người bị tạm giữ, Bị can, Bị cáo theo quy định tại các Điều 59, 60, 61 của Bộ luật Tố tụng Hình Sự (BLTTHS) có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

Như vậy trước khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật  thì Người bị buộc tội hay nói chính xác hơn là các Bị can, Bị cáo có quyền không buộc phải nhận là mình có tội và được pháp luật ghi nhận là người không có tội.

Do vậy các cơ quan  điều tra, truy tố, xét xử không thể quy kết cho các Bị can, Bị cáo là “quanh co chối tội” và coi là tình tiết tăng nặng được.

Việc quy kết hành vi phạm tội cần phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật về điều tra, chứng minh chứng cứ phạm tội cụ thể:

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội “Điều 15 BLTTHS Xác định sự thật của vụ án” Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:

  1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
  2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
  3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
  4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…

Trong đó tại Điều 98 BLTTHS quy định cụ thể về Lời khai của bị can, bị cáo Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Dựa vào các dẫn chiếu nêu trên nếu quy kết người bị buộc tội “Quanh co chối tội” và đề nghị làm tình tiết tăng nặng là vi Hiến.