AI CÓ QUYỀN KIỂM TRA, KHÁM XÉT CHỖ Ở CỦA CÔNG DÂN

Ai có quyền kiểm tra, khám xét chỗ ở của công dân?

Hỏi: Gần đây tôi có xem video về một anh công an vào nhà kiểm tra hành chính, rồi nhổ nước bọt khi người dân yêu cầu xuất trình giấy tờ. Vậy cho tôi hỏi: Trong trường hợp nào và ai có thẩm quyền khám xét, kiểm tra chỗ ở của công dân?

Trả lời:

 

Bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam và được ghi nhận tại Hiến pháp 2013. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác, nếu không được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự, an ninh của quốc gia, một số cá nhân, cơ quan chức năng có quyền khám xét, kiểm tra chỗ ở của công dân. Tuy nhiên, dù có kiểm tra, khám xét trong trường hợp nào, thì cá nhân, cơ quan đó cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

      Thứ nhất, Kiểm tra hành chính

Cảnh sát khu vực có quyền kiểm tra hành chính chỗ ở của công dân theo quy định về kiểm tra cư trú. Điều 26 Thông tư số 35/2014/TT-BCA quy định:

“….4. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia….”

Việc kiểm tra cư trú tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự với nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

      Thứ hai, Theo thủ tục tố tụng hình sự

Đây là trường hợp mà việc khám xét chỗ ở của công dân để phục vụ cho hoạt động tố tụng hình sự và phải có lệnh khám xét của người có thẩm quyền. Theo đó, Bộ luật hình sự 2003 quy định về người có thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở của công dân trong mọi trường hợp, bao gồm:

  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
  • Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
  • Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Ngoài ra, trong trường hợp không thể trì hoãn, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

Chuyên viên Phạm Thị Lan Anh