Trình tự – Thủ tục về thi hành án

Căn cứ Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh nêu tóm tắt trình tự thủ tục thi hành án dân sự như sau:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
1. Cấp bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại:
– Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, phải cấp cho người được thi hành án và người phải thi hành án, bản án, quyết định có ghi “Để thi hành án”;
– Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho người được thi hành án, người phải thi hành án đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp luật.
2. Thời hiệu thi hành án:
– Thời hiệu thi hành án theo Luật thi hành án dân sự là 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại có hiệu lực pháp luật;
– Thời hiệu thi hành án chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu.
3. Quyền yêu cầu thi hành án:
Người được thi hành án, người phải thi hành án đều có quyền yêu cầu thi hành án. Người yêu cầu thi hành án phải có đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án dân sự nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án, kèm theo bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án:
Thời hạn ra quyết định thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.
5. Từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án:
Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:
– Người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định;
– Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
– Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
6. Thông báo về thi hành án:
– Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và các văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho người được thi hành án, người phải thi hành
án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó;
– Người được thông báo có nghĩa vụ nhận thông báo và chịu trách nhiệm về việc cố tình không nhận thông báo;
– Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.
7. Tự nguyện thi hành án:
– Nhà nước khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án;
– Căn cứ quyết định thi hành án, Chấp hành viên định cho người phải thi hành án thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định để tự nguyện thi hành án.
8. Cưỡng chế thi hành án:
– Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án sau khi hết hạn tự nguyện thi hành án;
– Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự;
– Người bị cưỡng chế được thông báo về chi phí cưỡng chế và phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định.
9. Các trường hợp hoãn thi hành án:
– Người phải thi hành án ốm nặng hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định;
– Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn việc thi hành án;
– Người phải thi hành án về các khoản nộp ngân sách Nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng không thuộc loại được kê biên;
– Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý giải quyết;
– Theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án và các quy định khác của pháp luật.
10. Đình chỉ việc thi hành án:
– Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
– Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừ kế;
– Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;
– Thời hiệu thi hành án đã hết;
– Những quy định khác của pháp luật.
11. Trả đơn yêu cầu thi hành án:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành, ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định cho người được thi hành án trong trường hợp:
– Người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án; Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc thu nghập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;
– Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;
– Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật đặc định không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thỏa thuận khác.
Người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
12. Thu nộp tiền, tài sản thi hành án:
– Khi nộp tiền thi hành án, người nộp tiền được nhận biên lai thu tiền thể hiện số tiền đã nộp;
– Người được thi hành án được nhận tiền trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày thu được tiền thi hành án.
– Người đến nhận tiền, tài sản thi hành án phải có chứng minh thư nhân dân
kèm theo giấy báo. Trong trường hợp nhận thay phải có giấy ủy quyền có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường…nơi người ủy quyền cư trú.
13. Phí thi hành án dân sự:
– Người được thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án, phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản hoặc số tiền thực nhận. Mức phí là 03%, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng đối với 01 vụ việc.
14. Các trường hợp được miễn, giảm phí thi hành án dân sự:
Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau:
– Giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế (thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành);
– Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành;
– Miễn phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và
không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ….);
– Tiền cấp dưỡng, tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, tiền bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;
– Số tiền hoặc giá trị tài sản theo các đơn yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định;
– Những quy định khác của pháp luật.
15. Khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:
15.1- Khiếu nại về thi hành án dân sự:
– Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình;
– Người khiếu nại về thi hành án dân sự có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án dân sự hiện hành.
15.2- Tố cáo về thi hành án dân sự:
– Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức;
– Người tố cáo về thi hành án dân sự có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án dân sự hiện hành.

CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH BẮC NINH