Người lao động có quyền gì khi doanh nghiệp chậm trả/nợ lương?

Về nguyên tắc doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động. Kỳ hạn trả lương được quy định tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2012 hạn như sau:

+ Đối với Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

+ Đối với  Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.

+ Đối với Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Doanh nghiệp chỉ được trả lương chậm cho người lao động trong trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được trả chậm quá 01 tháng.Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Ngoài trường hợp trên, thì khi chậm thanh toán tiền lương Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

“…3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; … theo một trong các mức sau đây: 

  1. a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; 
  2. b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; 
  3. c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; 
  4. d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; 

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”

Trường hợp, doanh nghiệp chậm tháng toán trên 3 tháng, người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phả sản, quy định tạiKhoản 2 Điều 5 Luật Phá sản:

“…2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán…”

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, người lao động có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên thanh toán cho các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết thứ hai, sau các khoản khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản.

Chuyên viên Nguyễn Thị Huế